Chợ vải Tân Sơn, hồ Cấm Sơn và các vườn vải ở Tân Sơn đang vào mùa thu hoạch là điểm đến lý tưởng cho du khách ghé thăm. - VnExpress

Lục Ngạn là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, được biết đến với biệt danh "Vương quốc vải thiều". Năm 2023, toàn huyện có hơn 19.000 ha trồng vải, cho sản lượng ước đạt 98.000 tấn, theo Sở Văn hóa Du lịch & Thể thao Bắc Giang.

vuonvai6-5402-1688726227.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=w5hP-9gIvdf7E_Q3SYqVrw

Hoàng Thùy Dương chụp ảnh trên đảo vải ở hồ Cấm Sơn ngày 1/7.

Mùa vải chín bắt đầu thu hoạch từ tháng 5 đến 7. Hầu hết các xã đã thu hoạch gần xong nhưng các đảo vải trên hồ Cấm Sơn và xã Tân Sơn mới bắt đầu vào vụ vải muộn. Ngoài thu hoạch lấy trái, vài năm trở lại các vườn vải ở Bắc Giang dần trở thành điểm đến hút khách chụp ảnh, tạo thành trào lưu như chụp ảnh tại các vườn mơ, mận Mộc Châu.

Dưới đây là ba điểm chụp ảnh đẹp khi ghé thăm Lục Ngạn vào mùa vải muộn đầu tháng bảy, theo gợi ý từ Hoàng Thùy Dương, blogger du lịch sinh ra và lớn lên ở Bắc Giang.

Hồ Cấm Sơn

Hồ Cấm Sơn dài gần 30 km, bề ngang nơi rộng nhất 7 km, hẹp nhất 200 m. Diện tích mặt nước rộng 2.600 ha vào mùa khô. Vào mùa mưa nước dâng cao, mặt hồ có thể lên đến 3.000 ha. Nước hồ trong xanh với nhiều đảo lớn, nhỏ trồng vải. Nhiều du khách đã ví Cấm Sơn như "vịnh Hạ Long trên cạn" của Bắc Giang.

Dành một ngày du thuyền trên hồ, khám phá các đảo vải giữa lòng hồ được Dương đánh giá là "trải nghiệm nhất định nên thử". Sau khi ngắm cảnh, du khách có thể ghé thăm các đảo, trực tiếp hái những quả vải chín mọng và tươi rói trên cây xuống ăn.

Một điểm đến không thể bỏ lỡ để chụp ảnh, ngoài vườn vải là cầu Phao. Cây cầu nằm trên mặt hồ Cấm Sơn, nối từ thôn Tam Chẽ sang thôn Đấp. Cầu chủ yếu làm từ tre, gỗ nên nổi bật sắc nâu trầm giữa màu xanh của nước, cây cối, những ngọn núi và mây trời. Phí thuê thuyền: 1-1,2 triệu một thuyền tùy thuyền to hay nhỏ, sức chứa 10-15 khách.

Buổi trưa, du khách có thể ghé làng chài Cấm Sơn để nghỉ ngơi, ăn trưa. "Cắm trại ven hồ rất đẹp", Dương nói, vì không gian yên tĩnh và thiên nhiên rộng lớn xung quanh. Khách đến chơi không mất tiền mua vé nhưng nếu muốn ngồi nghỉ trong các lán, trại hoặc lều bạt giá là 30.000-50.000 đồng một người. Khách có thể mang theo đồ ăn hoặc đặt của người dân ở đó như gà nướng, cơm. Giá một suất từ 200.000 đến 250.000 đồng một người.

Đường đến: Từ trung tâm thành phố Bắc Giang, du khách đi đến thị trấn Chũ, rẽ vào đường đất dẫn đến xã Sơn Hải là đến hồ.

Các vườn vải ở Tân Sơn

Dương cho biết sinh ra và lớn lên cùng cây vải nhưng cô vẫn ngỡ ngàng khi tận mắt ngắm nhìn các vườn vải sai trĩu quả ở xã Tân Sơn. "Hàng nghìn cây vải lá xanh làm nổi bật quả đỏ được trồng tầng tầng lớp lớp, bao quanh khắp các bản làng, đồi núi sẽ khiến bạn từ ngỡ ngàng sang thích thú", Dương nói.

vaibacgiang-2314-1688726227.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fu0gHIbtImhb3zabgtjFbQ

Vườn vải ở Chiu Bền, Lục Ngạn.

Một trong các vườn vải được Thùy Dương gợi ý là Chiu Bền vì quả ở đây đặc biệt to, sai. "Vải chi chít trên cành, sà xuống đất. Chủ vườn phải chống gậy cho cành để dựng chùm lên", Dương nói. Chủ vườn còn có một vườn vải kết thành vòm để phục vụ du khách chụp ảnh. Thời điểm chụp với vườn vải đẹp nhất, theo Dương là bình minh, vải chín đỏ rực rỡ nổi bật trên nền lá xanh và dưới ánh nắng mặt trời.

Một số vườn vải (trên đảo vải và ở xã Tân Sơn) thu vé vào 30.000 đồng một người, nếu mua vải mang về thì không mất tiền vào cửa. Một chùm vải khoảng ba kg được bán với giá 30.000 đồng. "Khách nên mua vải mang về sẽ lợi hơn", Dương nói.

Chợ vải Tân Sơn

Muốn "săn" được khoảnh khắc chợ vải tấp nập, du khách phải có mặt từ 5h, cùng lúc người dân trong vùng hái vải đêm rồi chở ra chợ. Mỗi người thường chở một sọt vải nặng 150-200 kg, chờ gặp thương lái và thuận mua vừa bán. Trong khoảng 2-3 tiếng chợ rất đông đúc người qua lại nên cả một tuyến đường dẫn vào chợ thường bị ùn, tắc. "Cả con đường đỏ rực rỡ một màu vải chín", Dương nói. Chợ vải bán buôn và không bán lẻ nên khách đi lẻ sẽ khó mua hơn là mua tại các vườn.

dsc00591-1688725718-6572-1688726228.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0uJvYPWlgOsXfblL8fYakA

Chợ vải Tân Sơn.

Ngoài ra, du khách có thể ghé khu du lịch sinh thái Bầu Tiên, thuộc Hợp tác xã du lịch Đồng Dao, thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn. Dù chưa hoàn thiện 100% nhưng tại đây đã có những tiện nghi cơ bản như nhà sàn, khu ăn uống, các trò chơi trên nước như chèo thuyền, đạp vịt, đạp xe. Tại khu sinh thái có vườn vải, nhưng vải ở đây đã thu hoạch từ đầu hè. Đến nay quả trên cây vẫn còn nhiều nhưng chỉ phục vụ du khách đến ăn, không hái bán. Hiện miễn phí vé vào cửa.

Từ Hà Nội, du khách đi qua cầu Thanh Trì, quốc lộ 1A để đến Bắc Giang. Thùy Dương gợi ý có thể đi chụp ảnh vườn vải trong một ngày, nhưng nếu muốn tham quan chợ vải Tân Sơn, chuyến đi hai ngày một đêm là phù hợp. Chi phí cho chuyến đi khoảng 1-1,5 triệu đồng.

Phương Anh
Ảnh: Mindu & Dương Dương blog

mark

Go And Go Travel

“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin

Từ khoá:
Social Network: