Bánh khọt Vũng Tàu
Bánh khọt nơi đây mang màu trắng của bột gạo quyện với vị béo thơm của mỡ hành, vị ngọt của tôm. Khu vực đường Nguyễn Trường Tộ tập trung nhiều hàng quán bán đặc sản này. Ngoài ra, bánh được bán nhiều ở các quán vỉa hè đường phố Vũng Tàu như đường Trần Đồng, Hoàng Hoa Thám, Lương Văn Can... Khi đến các quán này, thực khách nên tránh giờ cao điểm bởi sẽ phải đợi khá lâu.
Bánh xèo Long Hải
Nguyên liệu chính để làm bánh xèo là tôm, thịt heo, hành tây, giá, mộc nhĩ, đậu xanh, trứng gà và bột gạo. Tuy nhiên, bánh xèo Long Hải đặc biệt bởi nguyên liệu tươi mua từ người dân chài đánh bắt trong ngày mang về chưa qua ướp đá. Đồng thời, kỹ thuật đổ bánh giòn, bánh có màu vàng tươi, thơm phức tạo nên điểm hấp dẫn nổi bật của bánh xèo Long Hải.
Bánh hỏi An Nhứt
Bánh hỏi được làm bằng gạo thơm của người dân An Nhứt, huyện Long Điền. Bí quyết đặc biệt của bánh là cách pha chế bột sao cho dẻo, dai. Miếng bánh hỏi trắng thơm mùi gạo mới càng nhai ta càng thấy ngọt, được cuốn với rau sống, thịt xào và chấm nước mắm ngó sen chua ngọt. Bánh hỏi còn được ăn với thịt bò xiên que nướng trên bếp than và chấm mắm nêm.
Lẩu súng Phước Hải
Đây là món ăn lâu đời của vùng biển Phước Hải, huyện Đất Đỏ. Lẩu được ăn kèm với bông súng nên được người dân địa phương gọi là "lẩu súng".
Cá dùng nấu cho món lẩu này đúng điệu là đầu và lòng cá thiều xanh. Ngày nay, cá thiều rất hiếm nên một số loại cá biển được dùng thay thế là cá dứa, cá bóp, cá đối bui... Gia vị cho món lẩu cũng khá phong phú, gồm: me chua dầm vắt lấy nước, tương hột giã sơ, đường mật, nước mắm ngon, sả bào băm nhuyễn phi thơm, sả củ đập dập. rau tần dày lá, ngò gai, ngò om, húng quế, ớt xắt lát mỏng...
Vị nước lẩu đặc trưng với tương hột, me, mùi thơm của sả, vị ngọt bùi của cá tươi, giòn tan của cọng bông súng...
Cháo hàu Long Sơn
Món được chế biến từ hàu sữa được cậy ra từ những khe đá ở vùng biển xã đảo Long Sơn. Để có được tô cháo hàu ngon, nghệ thuật chế biến cũng rất đặc biệt, giúp người thưởng thức cảm nhận được vị ngọt bùi, béo của hàu, quyện với mùi thơm của gạo và vị cay, thơm của tiêu, hành, gừng, nấm rơm...
Gỏi cá mai
Để có món gỏi cá mai ngon, người làm phải chọn những con cá tươi xanh, đánh vảy rửa sạch, rút xương rồi ướp giấm, chanh, tỏi, ớt để làm chín cá. Sau đó trộn thính gạo cho thơm.
Khi ăn, gỏi được cuốn bánh tráng kèm ngò rí, húng lủi, húng quế, tía tô, diếp cá, khế chua, chuối xanh... Nước chấm gỏi cá mai được làm từ nước mắm đậu phộng, bằng cách xay nhuyễn đậu phộng với ớt đỏ, đường, nêm nước mắm, chanh, tỏi...
Bánh canh
Món đơn giản chỉ gồm sợi bánh, thịt heo và nước dùng. Tuy nhiên, sợi bánh dai mềm, nước dùng thanh ngọt, vị đậm đà là điều làm nên thương hiệu cho bánh canh bình dân này. Trong đó, nước dùng được ninh từ cá biển, tôm tươi và xương ống.
Ngoài ra, để tránh cảm giác ngấy cho thực khách, món bánh canh thường ăn kèm một đĩa rau sống đủ loại như xà lách, tía tô, rau cần, giá sống...
Bún súng
Bún súng Vũng Tàu có nhiều nét tương đồng với bún nước lèo của người Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau... Nước lèo bún súng được nấu từ cá, tôm, mực và ăn kèm rau súng. Bún tươi, sợi nhỏ và rau sống cho vào tô, hải sản được trang trí trên mặt bún rồi chan nước dùng. Rau sống ăn kèm không thể thiếu rau súng, mùi, muống, hoa chuối...
Hủ tiếu mỳ
Hủ tiếu mỳ nơi đây với nước lèo trong vắt đậm đà, miếng sườn trắng mềm được nấu theo công thức riêng. Thực khách có thể ăn hủ tiếu nước hoặc khô tùy sở thích. Có nhiều loại hủ tiếu như hủ tíu mỳ sườn, hủ tiếu hoành thánh xá xíu, hoành thánh sườn, hủ tiếu mỳ heo viên tôm, hoành thánh thập cẩm...
Thanh Thư
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin