Di cư đến Mỹ từ lâu được xem như biểu tượng địa vị đối với nhiều người Ấn Độ. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Trump, tham vọng này trở nên khó khăn hơn khi thủ tục duyệt hồ sơ xin visa bị thắt chặt.
Những người ủng hộ ông Trump cũng bất đồng về chương trình visa H-1B, cho phép các kỹ sư phần mềm và người lao động có tay nghề làm việc tại Mỹ. Hơn một nửa số người nhận visa H-1B đến từ Ấn Độ. Do đó, nhiều người Ấn tìm đến những ngôi đền thiêng để xin visa được thuận lợi.
Dưới đây là 6 ngôi đền thiêng để xin visa của người Ấn Độ do CN Traveller gợi ý.
Chilkur Balaji, Hyderabad
Nằm bên bờ hồ Osman Sagar ở Telangana, ngôi đền xây từ thế kỷ XVII được người dân trìu mến gọi tên "Đền thờ Visa Balaji". Câu chuyện bắt đầu vào những năm 1980 khi một nhóm kỹ sư phần mềm ghé thăm ngôi đền Balaji này và hồ sơ xin visa Mỹ của họ được duyệt nhanh chóng.
Từ đó, đền trở thành điểm nổi tiếng với người muốn xin visa nhờ tỷ lệ thành công đáng kinh ngạc. Khoảng 100.000 tín đồ đến đền chiêm bái mỗi ngày, đặc biệt đông vào cuối tuần.
Chamatkarik Shree Hanumanji Mandir, Ahmedabad
Ngôi đền nhỏ thờ thần Hanuman tại Khadia, Ahmedabad đón hàng trăm người đến cầu nguyện xin visa mỗi ngày. Thần "Visa Hanuman" được người dân tin có khả năng thực hiện những phép màu giúp đơn xin visa thành công. Các tu sĩ trong đền thực hiện những nghi lễ đặc biệt nhằm cầu may cho những người mong muốn xin visa và đổi lại, họ phải cầu nguyện hết lòng với thần Hanuman ở Khadia để biến giấc mơ du lịch của mình thành hiện thực.
Shaheed Baba Nihal Singh Gurudwara, Talhan
Ngôi đền gần 150 năm tuổi tại Talhan, Jalandhar là điểm đến quen thuộc cho sinh viên, người lao động và các gia đình mong muốn vượt qua biên giới Ấn Độ. Trên nóc ngôi đền còn có một mô hình máy bay lớn, trở thành biểu tượng cho niềm tin xuất ngoại thành công.
Hầu hết ngôi đền yêu cầu dâng lễ bằng hoa hoặc đồ ăn, Gurudwara Shaheed Baba Nihal Singh lại ngập tràn những chiếc máy bay đồ chơi - món quà dâng sẽ làm hài lòng các "vị thần visa". Du khách có thể dễ dàng mua những mô hình đồ chơi máy bay tại các cửa hàng bên ngoài đền.
Chamatkari Visa Wale Hanuman Mandir, Delhi
Ngôi đền thờ thần Hanuman hay Bajrangbali, vị thần khỉ trong thần thoại Hindu. Được thành lập vào năm 2007, Chamatkari Visa Wale Hanuman Mandir nhanh chóng trở thành điểm đến cho những người mong muốn ra nước ngoài - như chính tên gọi của nó: Đền Hanuman kỳ diệu cấp visa.
Khách hành hương từ khắp Ấn Độ dùng mực đỏ để viết những điều ước của mình lên một tờ giấy và dâng lên trước thần Hanuman. Những người được chấp thuận visa sẽ quay lại đền để viết lời cảm tạ vào một cuốn sổ được đặc biệt duy trì cho mục đích này. Hầu hết người đến đền sẽ mang theo biểu đồ sinh - một dạng lá số tử vi - để xem định mệnh có cho phép họ đi nước ngoài hay không.
Pracheen Hanuman Mandir, Delhi
Người dân Delhi cũng hay tới một "đền visa" khác nằm trên đường Baba Kharak Singh Marg tại Connaught Place. Pracheen Hanuman Mandir là một trong những ngôi đền cổ và nổi tiếng nhất trong thành phố. Vì thế, đền thu hút đông đảo tín đồ, trong đó nhiều người đến cầu nguyện cho việc xin visa thành công.
Điều thú vị là trung tâm nộp hồ sơ VFS Global chỉ cách đền chưa đầy 100 m, khiến Pracheen Hanuman Mandir trở thành điểm đến phổ biến và tiện lợi cho những người đang lo lắng chuyện xin visa.
Sri Lakshmi Visa Ganapathy Temple, Chennai
Đền thờ Ganesha, vị thần khởi đầu mới trong đạo Hindu, và cách đại sứ quán Mỹ tại bang này khoảng 10 km. Điểm đến thu hút những người muốn xin visa từ khắp nơi trong cả nước. Họ đến đây với một tay cầm hộ chiếu còn tay bên kia cầm nhang.
Mọi chuyện bắt đầu khi một vài tín đồ địa phương tại đền Sri Lakshmi Visa Ganapathy được chấp thuận visa. Tin tức về việc xin thành công của họ lan truyền nhanh chóng, dần dần giúp ngôi đền trở thành nơi cầu visa nổi tiếng. Trang web chính thức của đền còn cung cấp chi tiết về các nghi lễ cụ thể được thiết kế để giúp những người xin visa chuẩn bị cho các buổi phỏng vấn đầy lo âu.
Hoài Anh (Theo The Guardian, CN Traveller)
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin