Phượt xe máy khám phá Phú Yên – Vùng đất “Hoa Vàng Cỏ Xanh”

Trong bài này mình sẽ đưa các bạn đi qua cung đường phượt Phú Yên bằng xe máy; xuyên vùng đất này đi đến Bình Định, ghé qua một số điểm tham quan nổi bật của Phú Yên như Gành Đá Dĩa, Nhà Thờ Mằng Lăng, và trải nghiệm ẩm thực địa phương trên đường đi.

1. Đường đến Tuy Hòa – Phú Yên

Địa điểm dừng chân trong chuyến hành trình phượt Phú Yên của bọn mình là TP. Tuy Hòa, cách Bãi Môn khoảng hơn 30km theo hướng QL29. Đây là một đoạn đường ngắn nhưng đi qua một đoạn đường đèo khá đẹp, nhìn lên là trời xanh, nhìn xuống là biển nước mênh mang.

Phượt xe máy khám phá Phú Yên
Đường từ Bãi Môn đi TP. Tuy Hoà – Phú Yên.
Phượt xe máy khám phá Phú Yên
Khung cảnh mênh mang trên đường đèo QL29 đi Tuy Hoà – Phú Yên.

Do xuất phát khá trễ nên khi đến Tuy Hòa thì đã là 1 giờ trưa, tính đi ăn bánh hỏi lòng heo đặc sản vùng này nhưng sau khi chạy lòng vòng mà quán ăn nào cũng đóng cửa (cả thành phố đã ngủ trưa…) thì cuối cùng đành tấp đại vào một quán chả dông còn mở.

Giá một phần chả hoặc thịt nướng là 30.000 VND, bánh tráng 5.000 VND/phần tính riêng. Cả bọn gọi 1 phần thịt nướng, 2 phần chả dông (nó y như cái chả giò), 2 phần bánh tráng hết 100.000 VND. Cá nhân mình thấy món này thì khá ổn nhưng ăn lúc một giờ trưa trong tiết trời nóng hầm hập thì có hơi khô khốc quá.

Phượt xe máy khám phá Phú Yên
Một chả dông hai người ăn đầy ắp.
Phượt xe máy khám phá Phú Yên
Món thịt nướng ở đây nhìn khá giống nem nướng.

Sau khi ăn no thì bọn mình về khách sạn. Tuy Hòa khá nhỏ và thành phố chia ra hai khu cũ – mới khá rõ rệt. Phần lớn hàng quán nằm trong khu trung tâm (khu cũ – nằm gần cầu Hùng Vương), còn khách sạn thì nằm ở khu mới (đường Hùng Vương chạy về phía Quy Nhơn). Mình thấy ở Tuy Hoà có khá nhiều khách sạn mini mới xây, phòng ốc to và sạch sẽ nên các bạn không lo về chỗ ở nhé.

Do hôm trước cắm trại không ngủ đủ lại còn dang nắng nên tới khách sạn thì cả bọn dọn dẹp tắm rửa rồi ngủ một mạch tới tối rồi đi ăn tối. Theo lời giới thiệu đọc trên mạng, tối nay bọn mình ăn cháo hàu ở Cháo Hàu 373 (373 Nguyễn Huệ). Một tô 20.000 VND đầy hàu và một quả trứng và con tôm. Hàu chiên trứng cũng rất ngon (mỗi tội không bán cơm ăn kèm), mì xào hàu thì bình thường thôi và không nhiều hàu như hai món kia. Ba đứa ăn hết 3 tô cháo hàu, 1 dĩa mì xào hàu, 2 hàu chiên trứng và 3 cái bánh tráng hết 132.000 VND. Mình không biết món này có được tính là đặc sản ở đây không nhưng mà nếu tới Tuy Hòa mà không biết ăn gì bạn có thể đi ăn cháo hàu nhé.

Phượt xe máy khám phá Phú Yên
Món chào hàu bổ dưỡng.
Phượt xe máy khám phá Phú Yên
Mì xào hào 

2. Đặc sản Bánh hỏi lòng heo

Điểm dừng chân đầu tiên trong lịch buổi sáng hôm nay của bọn mình là… quán bánh hỏi lòng heo (Quán Yến – 118 Hùng Vương – nằm ngay dưới chân cầu Hùng Vương), do hôm qua chưa ăn được nên bữa nay quyết chí phục thù. Nhân tiện đây là món ăn sáng nhé… (giải ngố cho các bạn nào ngố như mình hôm qua…).

Một phần bánh hỏi hoặc bánh ướt lòng heo có giá 20.000 VND, bao gồm 1 dĩa bánh với lòng và 1 chén cháo, ăn kèm rau và nước chấm. Ba đứa ăn 3 bánh hỏi, 1 bánh ướt, 3 ly sữa đậu nành hết 95.000 VND. Ngoài ra quán còn bán bánh hỏi, bánh ướt heo quay, phở cháo các kiểu. Với một đứa thích ăn lòng và bánh hỏi, bánh ướt như mình thì món này “just perfect” (đúng chuẩn). TP. Tuy Hòa thì không vui lắm nhưng từ hôm qua tới giờ thì đồ ăn Tuy Hòa gây thương nhớ một cách đặc biệt. 

Phượt xe máy khám phá Phú Yên
Bánh ướt lòng heo và bánh hỏi lòng heo.

3. Đầm Ô Loan, Đập Tam Giang, Nhà Thờ Mằng Lăng

Ở khu vực Phú Yên thực ra có khá nhiều điểm tham quan nằm rải rác về phía Bắc Tuy Hoà. Do không muốn bỏ lỡ điểm nào (trừ cao nguyên Vân Hòa do ngược đường) nên bọn mình đã lên lịch phải đi cho hết các điểm tham quan trọng điểm rồi chạy thẳng ra Quy Nhơn. Thứ tự tham quan như sau: Khách sạn – Đầm Ô Loan – Đập Tam Giang – Nhà Thờ Mằng Lăng – Gành Đá Dĩa – Cầu Gỗ Ông Cọp.

Phượt xe máy khám phá Phú Yên
Lộ trình từ Tuy Hoà đi các điểm tham quan.

Từ Tuy Hòa đi Gành Đá Dĩa có hai đường. Một là đường trong ngắn hơn, ra thẳng Gành Đá Dĩa. Hai là đi quốc lộ, có thể ghé qua Đầm Ô Loan, Đập Tam Giang và Nhà Thờ Mằng Lăng. Dù không có ý định ghé tham quan nhưng cũng muốn chạy ngang cho biết, nên cả bọn chọn đi quốc lộ.

Điểm ghé đầu tiên là Đầm Ô Loan, quẹo vô từ 1 con đường nhỏ xíu cắt ngang quốc lộ (rất dễ chạy lố). Nói ngắn gọn là… ở đây chả có gì cả. Nó là nơi nuôi trồng thủy hải sản của người dân thôi. Nghe nói nổi danh ở đây là sò huyết, mà khúc sau cái chị ở quán cơm gần Gành Đá Dĩa bảo là mấy chỗ đó kinh doanh du lịch nên cũng không rẻ. Nói chung là đi cho biết thì cũng được mà không ghé vào trong cũng không sao đâu.

Phượt xe máy khám phá Phú Yên
Đầm Ô Loan nhìn từ trên đèo.

Từ đây thấy trên bản đồ có một con đường làng nhỏ dẫn ra Gành Đá Dĩa. Nhưng vì hơi ớn đường nhỏ với nếu đi đường chính thì có thể chạy ngang Đập Tam Giang và nhà thờ Mằng Lăng, nên thôi trở ra đi quốc lộ.

Mình cứ tưởng đường vô Gành Đá Dĩa hoang vu lắm, ai dè nó như đi xuyên qua một con xóm nhỏ, đường bê tông đẹp đẽ đàng hoàng. Có khúc hai bên là ruộng lúa, có khúc là nhà cửa nhỏ nhỏ san sát nhau, im im như kiểu ở Tuy Hòa. Nói chung đúng kiểu đường làng, có nhiều khúc người ta còn mang rơm phơi đầy ra đường, hoặc phơi lúa bên đường, chạy qua là sực nức một mùi thơm phức. Với một đứa dân thị thành chính gốc như mình thì việc chạy xe xuyên qua con đường làng này thật sự là một trải nghiệm thú vị. Ở đây còn có mấy cột mốc báo mức lũ (mình không có chụp). Đi mùa lũ chắc là nước chảy khỏi chạy xe luôn quá…

Phượt xe máy khám phá Phú Yên
Đường vào Gành Đá Dĩa.
Quảng cáo
Phượt xe máy khám phá Phú Yên
Người dân phơi lúa hai bên đường đi.

Trên đường đi thì có chạy qua Đập Tam Giang và ghé qua ngó Nhà Thờ Mằng Lăng chút. Do không có nhiều thời gian nên bọn mình chỉ dừng lại một chút.

Phượt xe máy khám phá Phú Yên
Đập Tam Giang.
Phượt xe máy khám phá Phú Yên
Bên ngoài nhà thờ Mằng Lăng.

4. Gành Đá Dĩa và quán cơm trưa thần thánh

Có một kinh nghiệm xương máu trong chuyến đi đó chính là nếu bạn thật sự muốn trải nghiệm cảnh đẹp, đừng đi vào cuối tuần và dịp lễ. Bữa mình đi là thứ Bảy cho nên Gành Đá Dĩa tràn ngập du khách. Do nơi này đã quá nổi tiếng nên nó đã bị biến thành một địa điểm du lịch có thu phí. Gửi xe 2.000 VND / chiếc, vé vào cổng 20.000 VND / người. Dọc đường sẽ có mấy hàng nước cho mượn nón rơm miễn phí (dự là lúc trả nón bạn sẽ được mời mọc mua nước).

Phượt xe máy khám phá Phú Yên
Gành Đá Dĩa.
Phượt xe máy khám phá Phú Yên
Những phiến đá dẹt có hình giống chiếc đĩa nên có tên gọi như thế.

Ở ngay bãi đá thì không tắm được, nhưng nhìn qua phía xa thì thấy có một bãi cát nhỏ trắng sạch, nghe nói là có thể tắm (theo lời chị bán cơm khúc sau). Do không có nhu cầu chụp hình sống ảo (mà cũng vừa nắng vừa nhiều người) nên cả bọn chụp hình cảnh xung quanh một chút rồi lên.

Phượt xe máy khám phá Phú Yên
Một nơi thích hợp để ngồi ngắm trời, ngắm biển.

Lúc này là hơn 1 giờ trưa. Cả bọn nhất trí kiếm quán ăn trên đường trở ra vì đã bắt đầu thấy đói (do ăn sáng hơi sớm…). Ghé một quán cơm gà đã được đánh dấu trước đó, nhưng nghiệt ngã thay là ở đây người ta ăn cơm gà… buổi sáng. Thế nên thôi chạy tiếp.

Như đã nói trước đó, ở khu vực miền Trung này mọi người nghỉ trưa đúng giờ lắm… Chưa kể trong một khu xóm nhỏ thế này thì cũng ít hàng quán. Ở khu vực Gành Đá Dĩa dĩ nhiên có bán đồ ăn nhưng bọn mình chưa muốn bị “chém”. Chạy mãi một hồi cũng thấy một quán cơm vẫn còn trương bảng. Trông cũng ổn nên ghé vô luôn. Một trong những lựa chọn đúng đắn nhất chuyến đi! Lẽ ra là không có gặp được quán cơm này đâu nếu chạy đúng đường (cả bọn đang chạy về hướng cầu gỗ Ông Cọp), mà ngay chỗ ngã rẽ thì lại chạy huốc lên 10m mới thấy quán, ở ngoài đề biển là Cafe Bi Bo (Thôn 4, An Ninh, Tuy Hòa, Phú Yên).

Phượt xe máy khám phá Phú Yên
Ở ngoài đề bảng Cafe Bi Bo.

Chị chủ quán niềm nở mời vào, cứ bảo là do đang cúp điện nên vào trong nhà ngồi cho mát. Mà vì khuôn viên quán cũng là quán cafe, có cây xanh nên 3 đứa chọn ngồi ngay dưới gốc cây. Quán đã hết cơm gà, chỉ còn cơm phần, 20.000 VND/dĩa với một chén canh sườn. Do chị giới thiệu món nào cũng hấp dẫn nên quyết định mỗi đứa làm 1 dĩa thập cẩm bao gồm có trứng, thịt, cá.

Ôi trời ơi mình nào giờ rất ghét ăn cá, lại là cá kho, còn là cá nhỏ, mà cái món cá kho này của chị nó ngon! Con cá thấm gia vị mà siêu ngọt thịt, ăn tới đâu mê tới đó, tới mức mấy ngày sau đi ăn cơm mà chỗ nào có món cá kho này mình đều kêu hết dù không ngon như của chị. Ba đứa ăn 3 dĩa chưa đủ, gọi cơm thêm. Chị đem ra một dĩa cơm thêm có cả cá (chắc vì nãy giờ khen cá quá ngon), xong bọn mình còn xin thêm thịt kho (do nãy chị nói có thịt kho) các kiểu nên cuối cùng tính ra là 4 dĩa, 80.000 VND !!!!

Phượt xe máy khám phá Phú Yên
Dĩa cơm 20.000 VND ngon nhất mình từng ăn.

Do 3 đứa ăn như ma đói, khen đồ ăn tới tấp nên chị bắt ghế ngồi kể chuyện. Nào là con cá này là cá nục suông, mới bắt sáng nay, đem về là nấu ngay nên rất ngọt. Nào là hôm nay không có mực chứ mọi khi có mực tươi, làm nguyên con ăn cả túi mực là ngon số dách. Đợt rồi có một chị khách ghé, ban đầu không dám ăn món mực đó, tới chừng ăn rồi thì bảo là nếu không ăn món này sẽ hối hận mất (3 đứa nghe mà thèm nhỏ dãi). Rồi chị nói là giờ này đi Gành Đá Dĩa không đẹp, phải đi buổi sáng hoặc buổi chiều mới đẹp. Lại kể chuyện vì sao cái cầu gỗ Ông Cọp lại có tên như vậy, là vì hồi xưa có một ông tên Cọp ở ngay dưới chân cầu, khi ổng nhìn thấy khách muốn đi qua cầu có tiềm lực võ thuật thì sẽ thách đấu với người đó, đấu thắng ổng mới cho qua. Nói chung là rất nhiều chuyện.

Mình vốn là đứa không thích nói chuyện với người lạ, nhưng bữa cơm và buổi nói chuyện với chị bán cơm là một trong những kỷ niệm đẹp nhất suốt chuyến đi. Mình hy vọng nếu bạn có ghé Gành Đá Dĩa hãy ghé ăn cơm của chị, đảm bảo không hối hận. Về trải nghiệm ẩm thực suốt chuyến đi của mình mà nói, những bữa ăn địa phương đúng nghĩa địa phương thế này chính là những món ăn mà mình nhớ mãi khi về đến Sài Gòn.

5. Vượt cầu gỗ Ông Cọp, hướng về Quy Nhơn

Phượt xe máy khám phá Phú Yên
Cầu Ông Cọp – Cầu gỗ dài nhất Việt Nam.

Tạm biệt chị chủ quán cơm với bữa trưa ngon không thể tả xiết, cả bọn hướng về cầu gỗ Ông Cọp. Cầu gỗ Ông Cọp là một cây cầu gỗ do dân địa phương tự xây, bắt ngang sông Phú Ngân để rút ngắn thời gian đi từ khu vực Gành Đá Dĩa ra QL1A. Đây cũng được xưng là cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam. Dĩ nhiên là chỉ có xe máy với người đi bộ có thể đi qua cầu, xe hơi không đi được.

Trong trường hợp bạn quan ngại về việc cầu có an toàn không, thì lúc ở quán cơm bọn mình có hỏi thăm chị chủ quán thì chị bảo người ta chạy bình thường không có gì phải sợ. Khi bọn mình leo lên cầu rồi, còn đang rón rén thì nghe có tiếng bóp còi đằng sau, chỉ vừa kịp nép qua một bên thì có một chiếc xe máy chạy vụt qua rầm rầm với một tốc độ tên lửa.

Phượt xe máy khám phá Phú Yên
Cây cầu coi thế thôi chứ vững chãi vô cùng nhé.

Sang tới đầu cầu bên kia thì người ta thu phí qua cầu. Mình thấy bảng phí là xe máy chở hàng là 5.000 VND/chiếc, mà chắc 2 chiếc này chở một đống đồ và có người ngồi sau nên tổng cộng 2 chiếc là 15.000 VND. Qua khỏi cầu là nhập vào QL1A chạy về phía Quy Nhơn, chính thức chia tay vùng đất Phú Yên xinh đẹp với những món ăn gây thương nhớ hoài không nguôi.

6. Tổng kết

Phú Yên là một vùng đất với nhiều cảnh đẹp và thức ăn địa phương rất ngon. Ban chỉ cần từ 1 đến 2 ngày là có thể đi hết các điểm tham quan ở Phú Yên. Tuy Hòa, thành phố trung tâm của Phú Yên chỉ cách Quy Nhơn (về phía Bắc) và Nha Trang (về phía Nam) khoảng 150km, nên bạn có thể kết hợp du lịch Nha Trang – Phú Yên hoặc Phú Yên – Quy Nhơn. Hy vọng bài viết đã có thể cho bạn ít nhiều một cái nhìn toàn cảnh hơn về cảnh sắc ở Phú Yên và giúp bạn có thêm thông tin để lên kế hoạch cho chuyến phượt Phú Yên tiếp theo của mình.

Có thể bạn quan tâm

tin tức liên quan

Ngoài những biển xanh, cát trắng, những hoa vàng, cỏ xanh, những núi đồi hùng vỹ, Phú Yên còn đặc biệt có một nền ẩm thực vô cùng đa dạng với hương vị gây lưu luyến những lữ khách phương xa hay những đứa con xa nhà.

Thứ hai, 05/08/2019