Cái vị ngậy ngậy ngọt đậm của thịt rươi, trộn cùng trứng gà vàng ươm, vỏ quýt thơm tho, thêm mấy cọng thì là đã làm ra món chả rươi hấp dẫn đến độ ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Rươi hay còn gọi là rồng đất là loài hải sinh được sử dụng trong nhiều món ăn. Loài này ưa sống ở vùng nước lợ hoặc các con sông có thủy triều lên xuống như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định... nổi tiếng nhất là vùng sông nước lợ Kinh Môn, Tứ Kỳ Hải Dương, nơi dòng nước đặc quánh phù sa, nhiều dinh dưỡng.
CHả rươi là món ăn rất nổi tiếng của xứ Bắc.
Rươi chỉ xuất hiện theo mùa. Mỗi năm sẽ có 2 vụ thu hoạch, mùa phụ vào tháng 4 - 5 sản lượng khá ít, mùa chính bắt đầu từ tháng 9-11. Chính vì thế, dân gian có câu “Tháng chín ăn rươi, tháng mười ăn nhộng”. Trong cuốn “Miếng ngon Hà Nội”, nhà văn Vũ Bằng viết: "Hỡi các bà nội trợ, đừng có lần chần lắm mà lỡ việc, vì rươi không phải là một món ăn ngày nào cũng có đâu. Cả một năm chỉ có mấy ngày có rươi thôi...". Và như thế, khi thấy gió heo may về, vườn cam quýt bên các bờ sông bắt đầu mọng nước cũng là lúc mùa rươi về. Người người mang lưới mang rổ đi hớt rươi nổi lên vui như trẩy hội.
Con rươi nhìn thấy sợ nhưng lại làm ra bao món ăn ngon.
Vào mùa, rươi bán ở khắp các chợ. Khi ấy, người dân xứ Bắc lại í ới gọi nhau mua mẻ rươi về để làm các món ngon. Kể cũng lạ, cái con rươi xanh đỏ ngoe nguẩy, nhơn nhớt nhìn là sợ lại còn mùi tanh khó ưa thế mà chế biến thành bao món như: rươi cuốn lá lốt, rươi kho khế, mắm rươi và nổi tiếng nhất là chả rươi.
Làm chả rươi cũng khá cầu kỳ. Đầu tiên phải chọn những con rươi còn tươi nghĩa là thân trên nó phải màu xanh nhạt. Con nào đen đúa hay đỏ đỏ là những con ươn, ăn không ngon. Rươi mang từ chợ về phải đun tý nước nóng già để “làm lông”. Cứ dội nước vào khoắng khoắng cho lông tơ với bụi bẩn nó trôi đi hết rồi rửa lại bằng nước lạnh mấy lượt cho thật sạch rồi mới mang vào chế biến.
Nguyên liệu làm chả rươi.
Chả rươi truyền thống là rươi (đánh tan hoặc để nguyên con) trộn với thịt băm, đập trứng, thêm vài cọng thì là và vỏ quýt. Một chi tiết nhỏ khi làm chả rươi có lẽ không nhiều người biết đấy là thiếu vỏ quýt món chả rươi mất ngon. Tháng 9, tháng 10 là mùa quýt miền Bắc vào vụ cũng trùng đúng với vụ rươi. Thế nên vỏ quýt không thiếu. Vỏ quýt khô hoặc tươi thái chỉ thật nhỏ, nhớ đừng tham cho nhiều sẽ khiến chả rươi mang vị đắng.
Làm chả rươi mà thiếu vỏ quýt là mất ngon.
Tất cả ướp với nước mắm ngon, trộn đều, đổ vào chảo, rán nhỏ lửa. Khi rán xong, miếng chả vàng ươm, ngửi thấy hương thơm đặc trưng của rươi, trứng gà và vị thơm thơm của thì là và vỏ quýt. Món chả rươi có thể ăn kèm rau sống và nước chấm có vị chua ngọt thêm chút đu đủ hay cà rốt, hoặc ăn cùng bún tươi.
Chả rươi nhìn thôi đã thấy ngon.
Chả rươi trong ký ức của nhiều người dân xứ Bắc là món ngon thuộc hàng bậc nhất, khó có món chả nào sánh bằng. Đấy là lý do, qua bao đời chả rươi vẫn đắt khách. Vào mùa rươi, người dân có thể mua về nhà tự chế biến hoặc ra quán. Ở Hà Nội, các quán bán chả rươi ngon có nhiều ở phố Lò Đúc, Cầu Giấy, Hàng Chiếu, Gia Ngư... Cha truyền con nối, đời này qua đời khác, các quán chả rươi Hà Nội đã tồn tại đến tận bây giờ. Chả rươi được chế biến thành nhiều loại, phổ biến nhất là đánh tan rươi hoặc để nguyên con. Khi đánh tan, sữa rươi hòa quyện cùng các nguyên liệu sẽ tạo ra sự thơm ngon; còn nếu để nguyên, món chả lại có phần bùi và ngậy hơn. Ăn loại nào tùy thực khách lựa chọn. Hiện chả rươi ở quán có giá từ 20.000- 35.000 đồng/chiếc.
Mùa thu đến rồi, nhớ đừng quên món chả rươi.
Thế nên còn chần chờ gì nữa, thu đến rồi, dù là người phương Bắc, hay người Phương Nam ghé thăm, mùa này nhớ ăn món chả rươi, kẻo sang năm mới lại được ăn.
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin