I. Chuẩn bị gì cho hành trình đạp xe?
Vũng Tàu cách Sài Gòn không quá xa, chỉ khoảng 100 km, vừa đủ để thực hiện một cuộc hành trình bằng xe đạp đường dài cho cuối tuần, thậm chí là cho cả những người mới, chưa từng đạp xe đường trường, để thử thách bản thân, để có chuyện kể lại cho những cốc cà phê bớt nhạt nhẽo. Trước khi đi hãy chuẩn bị cho chuyến hành trình kỹ càng để không gặp phải sự cố nào đáng tiếc nhé.
1. Xe đạp
Dĩ nhiên rồi, hãy kiểm tra lại chiếc xe đạp kỹ càng, thắng trước thắng sau, dây xích, lốp xe… Tốt nhất hãy chuẩn bị thêm một bộ đồ vá xe đạp sơ cua đơn giản. Bọn cậu có thể đặt mua qua mạng, khá nhiều và đa dạng.

2. Đồ cá nhân
Hãy chuẩn bị gọn nhất có thể, vì bất cứ trọng lượng hành lý thêm vào nào, sẽ làm bàn đạp nặng thêm một chút. Nếu đi vào mùa mưa, hãy chuẩn bị túi chống nước (có thể là túi nilon bất kỳ) cho ba lô, chằng trên ba ga. Hạn chế đeo ba lô trên vai, vì quãng đường dài sẽ khiến cho đôi vai mau mỏi. Nếu không có nón bảo hiểm chuyên dụng, một chiếc nón tai bèo có dây là tuyệt vời nhất cho chuyến đi. Vừa nhẹ, mát, lại tránh nắng rất tốt. Hãy nhớ mang theo áo mưa, đề phòng những cơn mưa bất chợt mùa hè.

3. Nước và đồ ăn vặt
Không cần phải có bình nước chuyên dụng vừa đi vừa uống, chỉ cần chai nước nhỏ mang theo uống dọc đường. Đường đi Vũng Tàu rất nhiều hàng quán, việc mua nước dọc đường khá đơn giản, nên không cần mang theo quá nhiều nước, sẽ tốn kha khá sức mang theo.
Chuẩn bị một chút đồ ăn vặt là không thừa. Đơn giản là một thỏi sô-cô-la, một chút snack… cũng đủ khiến bạn lấy lại sức sau quãng đường đạp xe dài.
4. Thuốc thang
Chuẩn bị một chút thuốc cảm là không thừa, và kem chống nắng nhé.
5. Lộ trình đạp xe
Việc di chuyển bằng xe máy khá đơn giản khi lựa chọn lộ trình, nhưng khi đi xe đạp, bạn phải đắn đo vô cùng vì thêm 10 km cũng đã là rất xa, chưa kể đến những cung đường dốc, phải qua nhiều cầu…
Từ Sài Gòn có 2 cung đường chính đi Vũng Tàu là đường qua Ngã ba Vũng Tàu, hoặc qua phà Cát Lái. Từ trung tâm thành phố, đi theo đường phà Cát Lái sẽ gần hơn khoảng 20 km. Cung đường này phần lớn đi qua những rừng cao su, không khí khá dễ chịu, tránh được phần lớn container trên quốc lộ. Nhưng hãy lưu ý, hầm Thủ Thiêm không cho xe đạp lưu thông, nên hãy lựa chọn đường cầu Thủ Thiêm, hoặc ngã ba Cát Lái. Nếu ở khu vực Thủ Đức, Quận 9, đường qua Ngã ba Vũng Tàu sẽ không xa hơn đường phà Cát Lái nhiều. Hãy chọn cung đường phù hợp nhất cho chuyến hành trình nhé.



Khi đi qua Trạm thu phí QL51 T3, có 2 cung đường để bạn lựa chọn, cung đường mọi người thường đi là dọc theo QL51 qua Bà Rịa tới Vũng Tàu, một cung đường khác để các bạn tham khảo là đường qua đảo Long Sơn. Các bạn cũng có thể ghé mua thêm hải sản ở đây mang tới Vũng Tàu thưởng thức. Cung đường này khá vắng và mát mẻ, tuy nhiên phải đi qua 3 cây cầu rất cao, thế nên hãy cân nhắc lựa chọn nhé.

II. Tận hưởng chuyến đi
Hành trình đạp xe sẽ mất khoảng 6 đến 8 tiếng với những bạn thể lực bình thường. Hãy chuẩn bị đầy đủ sức khỏe, ngủ đủ giấc, tránh vận động mạnh trước chuyến đi. Đừng quá quan trọng thời gian di chuyển. Không sớm thì muộn. bạn cũng sẽ tới được Vũng Tàu, nhưng đạp nhanh quá sẽ khiến bạn mất sức rất nhanh đấy.
Đoạn đường từ phà Cát Lái tới QL51 ngang qua rừng cao su khá đẹp, đôi khi đi qua cả một vạt tràm nở qua vàng rực. Thỉnh thoảng có cơn gió thổi qua, mang theo cả mùa hè bám đầy lên vạt áo.
Không cần quá vội vàng, hãy để dành sức để đạp qua những cây cầu ở Long Sơn. Hì hục đạp lên tới đỉnh cầu để rồi tận hưởng cảm giác đứng trên đỉnh thành công, phóng tầm mắt nhìn về thành phố Vũng Tàu phía xa. Nếu di chuyển từ sớm, buổi chiều khi tới Vũng Tàu, sau khi nghỉ ngơi một chút bạn vẫn có đủ thời gian để dạo biển, thăm thú khám phá Vũng Tàu bằng xe đạp.
III. Khám phá Vũng Tàu bằng xe đạp
Chỉ đạp xe dạo quanh thành phố, hay đi dọc bờ biển trong ánh hoàng hôn buổi chiều cũng đem lại những trải nghiệm khá thú vị rồi.


Bạch Dinh là một dinh thự cổ có kiến trúc châu Âu được xay dựng từ cuối thế kỷ 19, nằm ở bãi trước, là một điểm tham quan nhẹ nhàng cho hành trình khám phá thành phố bằng xe đạp.
1. Bạch Dinh

Bạch Dinh có vị trí đắc địa khi nằm ngay sườn núi lớn, nhìn về phía bãi trước, vốn từng là nơi nghỉ dưỡng của vua Bảo Đại, hiện là địa điểm tham quan cho khách du lịch. Phí tham quan Bạch Dinh là 15.000VND/người.
2. Tượng chúa Kitô Vua
Tượng Chúa Kitô Vua hay còn gọi là Tượng Đứa Chúa Giang Tay là một trong những hình ảnh đặc trưng của thành phố Vũng Tàu, được xây dựng trên đỉnh núi Tao Phùng. Từ bãi trước hay bãi sau đều có thể nhìn thấy tượng Chúa Giang Tay hướng về phía biển. Phí tham quan tượng Chúa hoàn toàn miễn phí.


3. Mũi Nghinh Phong
Mũi Nghinh Phong là một địa điểm dù quen thuộc nhưng lại khá mới trong cộng đồng du lịch. Nằm ngay trong thành phố nhưng mũi Nghinh Phong lại mang nét hoang sơ bởi những vách đá cao phóng ra biển. Mũi Nghinh Phong không thu phí tham quan, bạn chỉ cần gửi xe ngay đường Hạ Long rồi rảo bộ ra.

4. Hải đăng Vũng Tàu
Nếu còn sức sau chuyến đi, hãy thử lên Hải Đăng Vũng Tàu, nơi có ngọn hải đăng được xây dựng từ thời Pháp, cũng là một trong những biểu tượng của thành phố biển Vũng Tàu. Hải Đăng không tốn phí tham quan, nhưng tốn kha khá sức leo đèo lên đỉnh núi Nhỏ đấy nhé.


5. Tượng Đức Mẹ Bãi Dâu
Tượng Đức Mẹ Bãi Dâu cũng là một địa điểm khá mới nằm ở bãi Dâu, ngay sườn núi lớn. Tượng nằm trong một tổ hợp công trình đền thánh và tượng đài Đức mẹ Maria. Nếu muốn khám phá, bạn có thể lên tượng thánh giá trên sườn núi ngay sau lưng tượng Đức Mẹ.
