Đây thật sự là sự kiện giao duyên của con tôm Cà Mau và nhiều sản phẩm đặc sản được tạo ra trong quá trình lao động sáng tạo của người dân ở các làng trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long với cả nước

Đây thật sự là sự kiện giao duyên của con tôm Cà Mau và nhiều sản phẩm đặc sản được tạo ra trong quá trình lao động sáng tạo của người dân ở các làng trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long với cả nước

Tối 10/12, tại TP Cà Mau đã diễn ra lễ khai mạc Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023. Đây là sự kiện có quy mô cấp khu vực, diễn ra từ ngày 10-13/12, tại TP Cà Mau.

Phát biểu tại lễ khai mạc Festival Tôm Cà Mau, Phó thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định Cà Mau đã tổ chức 2 hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chuỗi sự kiện của Festival. Đó là hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau. Sự kiện này đã tạo tiền đề, định hướng phát triển và thu hút đầu tư cho tỉnh Cà Mau trong chặng đường phát triển của địa phương thời kỳ mới.

Festival Tôm Cà Mau: Nơi giao duyên của hàng nghìn sản phẩm OCOP - 1

Phó thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại lễ khai mạc Festival Tôm Cà Mau. Ảnh: Thái Khang.

Hội nghị quan trọng thứ 2 là “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023”. Hội nghị này nhằm trao đổi, chia sẻ các giải pháp, định hướng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kết nối tiêu thụ, ký kết hợp tác kinh doanh sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các siêu thị, nhà phân phối, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, năm 2023 GRDP tỉnh Cà Mau ước tăng 7,83% so cùng kỳ, cao hơn bình quân cả nước. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 của Việt Nam ước đạt hơn 53 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm khoảng 3,6 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm lớn thứ hai trên thế giới, xuất khẩu tới khoảng 100 quốc gia.

“Riêng tỉnh Cà Mau đã đóng góp khoảng một tỷ USD về xuất khẩu tôm (chiếm 28% cả nước và duy trì ở mức một tỉ USD trong ba năm gần đây). Ngành tôm Cà Mau đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới, xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngoài nuôi siêu thâm canh còn có những mô hình nuôi bền vững ít nơi nào có được như tôm - rừng, tôm - lúa đạt tiêu chuẩn sinh thái, hữu cơ”, Phó thủ tướng khẳng định.

Festival Tôm Cà Mau: Nơi giao duyên của hàng nghìn sản phẩm OCOP - 2

Lễ khai mạc Festival Tôm Cà Mau tối 10/12. Ảnh: Thái Khang.

Theo Phó thủ tướng, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018 với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đến nay, cả nước đã có gần 9.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, riêng Đồng bằng Sông Cửu Long đã có trên 1.300 sản phẩm. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó giúp người nông dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Những kết quả đạt được từ con tôm và các sản phẩm OCOP nêu trên là nhờ sự cố gắng và nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương; sự năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, dám nghĩ, dám làm, tư duy nhạy bén của người nông dân.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng, đặc biệt là ngành hàng tôm vẫn còn những khó khăn, thách thức. Đó là giá con giống, vật tư đầu vào tăng cao; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún; sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng, phụ thuộc một số thị trường lớn; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe; phát thải khí mê tan gây ô nhiễm môi trường; sản phẩm OCOP chưa ổn định,...

Để phát triển nông nghiệp hiệu quả và gia tăng giá trị, ngành nông nghiệp nói chung và Cà Mau nói riêng cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó có hệ sinh thái ngành tôm; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu… Đây là định hướng chiến lược phù hợp để phát huy tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh khác biệt của tỉnh Cà Mau và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái hy vọng qua sự kiện Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023 lần này sẽ quảng bá mạnh mẽ hình ảnh, thương hiệu Tôm Cà Mau và các sản phẩm OCOP của địa phương đến du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển các ngành nghề; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu sản phẩm và liên kết hợp tác trong thời gian tới.

“Với tiềm năng, lợi thế do thiên nhiên ban tặng cho tỉnh Cà Mau, tôi mong muốn và tin tưởng rằng, với khát vọng và quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau sẽ đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, biến tiềm năng, lợi thế và cả những thách thức thành cơ hội, động lực phát triển, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đưa Cà Mau bứt phá đi lên”, Phó thủ tướng gửi gắm.

Festival Tôm Cà Mau: Nơi giao duyên của hàng nghìn sản phẩm OCOP - 3

Thu hoạch tôm thẻ tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Duy Khang.

Tại phát biểu khai mạc Festival diễn ra trước đó, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023 là sự kiện văn hóa, kinh tế, du lịch ý nghĩa, là sự khẳng định và tôn vinh những người nuôi tôm gắn bó với tự nhiên, sinh thái mang đậm nét văn hoá truyền thống.

Chuỗi sự kiện còn là dịp để Cà Mau giới thiệu, quảng bá những giá trị các ngành hàng thủy, hải sản và những sản vật nổi tiếng, đặc sắc của các địa phương Cà Mau đã trở thành những sản phẩm OCOP độc đáo, mang nhiều giá trị văn hoá bản địa đã theo chân người đi mở cõi, khai phá vùng đất Cà Mau.

“Đây thật sự là sự kiện giao duyên của con tôm Cà Mau và nhiều sản phẩm đặc sản được tạo ra trong quá trình lao động sáng tạo của người dân ở các làng trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Là sự khát khao hội nhập của các địa phương, là sự cam kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cà Mau về nền sản xuất nông nghiệp Môi trường xanh - Chất lượng sạch”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ.

mark

Go And Go Travel

“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin

Từ khoá:
Social Network: