Tại đây, quá trình khai thác than đã phát hiện phức hệ hóa thạch động thực vật khổng lồ rất phong phú và đa dạng. Trong hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai và nhiều hang động khác trong Khối đá vôi Bắc Sơn đã phát hiện hóa thạch của người đứng thẳng.

Tại đây, quá trình khai thác than đã phát hiện phức hệ hóa thạch động thực vật khổng lồ rất phong phú và đa dạng. Trong hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai và nhiều hang động khác trong Khối đá vôi Bắc Sơn đã phát hiện hóa thạch của người đứng thẳng.

CVĐC toàn cầu UNESCO mới của Việt Nam - Cửa sổ đặc biệt nhìn vào thế giới đầm hồ cổ đại - 1

Di chỉ khảo cổ hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai, xã Tân Văn, huyện Bình Gia.

Phiên họp Hội đồng Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO vừa tiến hành họp, đánh giá và biểu quyết công nhận Công viên Địa chất Lạng Sơn là Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO.

Công viên địa chất Lạng Sơn được thành lập ngày 16/12/2021 theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn. Công viên địa chất Lạng Sơn trên phạm vi hành chính của các huyện: Bắc Sơn; Chi Lăng; Hữu Lũng; Lộc Bình; Văn Quan; thành phố Lạng Sơn; một phần địa giới hành chính của huyện Bình Gia ; một phần địa giới hành chính của huyện Cao Lộc với tổng diện tích khoảng 4.842,58 km2 với dân số khoảng 627.500 người (tương đương chiểm khoảng 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh).

Quá trình khảo sát đánh giá bước đầu xác định Công viên địa chất Lạng Sơn (CVĐC Lạng Sơn) tiềm ẩn nhiều giá trị tiêu biểu về di sản địa chất và cảnh quan thiên nhiên, trong đó có những điểm di sản quan trọng tầm cỡ quốc tế và toàn cầu: Địa chất và trầm tích học, cổ sinh vật học, khoáng vật học và sinh khoáng, kiến tạo, địa mạo và địa chất karst.

Theo các nghiên cứu, vùng CVĐC Lạng Sơn chủ yếu được hình thành từ đá lục nguyên cacbonat và đá lục nguyên-phun trào thành phần mafic-axit-á kiềm từ khoảng 500 triệu năm trước đến nay, được phân chia thành 24 hệ tầng địa chất trong đó có 15 hệ tầng lần đầu tiên được xác lập tại tỉnh Lạng Sơn. Các vận động kiến tạo đã hoàn thiện đáy lục địa CVĐC trong kỷ Paleogene trong khoảng từ 65 đến 23 triệu năm trước, góp phần tạo ra những di sản địa chất và cảnh quan đa dạng như ngày nay.

Trũng Na Dương được đánh giá là cửa sổ đặc biệt nhìn vào thế giới đầm hồ cổ đại. Bồn trũng Na Dương là kết quả của quá trình hoạt động trượt bằng kéo tách ủa đới đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên, được hình thành vào cuối thế Eocene, đầu thế Oligocen, cách ngày nay khoảng 40 triệu năm. Bồn trũng dày khoảng 570 mét, trong đó hệ tầng Na Dương bên dưới dày khoảng 240 mét, chuyển tiếp chỉnh hợp lên hệ tầng Dinh Chùa bên trên dày khoảng 300 mét.

CVĐC toàn cầu UNESCO mới của Việt Nam - Cửa sổ đặc biệt nhìn vào thế giới đầm hồ cổ đại - 2

Hóa thạch san hô hệ tầng Bắc Bun ở xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng.

Tại đây, quá trình khai thác than đã phát hiện phức hệ hóa thạch động thực vật khổng lồ rất phong phú và đa dạng: tê giác, thú than, linh trưởng, cá sấu, rùa, kỳ đà, các loài cá, nhuyễn thể trai ốc và dày đặc hóa thạch thực vật...tiêu biểu cho sự sống trong môi trường hệ sinh thái sông hồ - đầm lầy - rừng nhiệt đới vùng Đông Nam Á từ cuối thế Eocene (kỷ Paleogene) đến thế Miocene (kỷ Neogene). Nhiều loài trong đó đã được phát hiện lần đầu tiên ở đây và vì thế được đặt tên địa phương như tê giác Epiaceratherium naduongensis, thú than Anthracokeryx naduongensis, cá sấu Orientalosuchus naduongensis, linh trưởng mũi cong Anthradapis vietnamensis, ốc nước ngọt Bacbotricula...

Bồn trũng Na Dương từ lâu đã thu hút các nhà khoa học trên thế giới quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu. Trong số các điểm di sản địa chất vùng CVĐC Lạng Sơn, địa điểm này được cho là có giá trị khoa học tầm cỡ toàn cầu, được coi là “cửa sổ đặc biệt nhìn vào hệ sinh thái Eocene muộn từ Đông Nam Á”. Các hóa thạch động vật phát hiện tại đây được đánh giá như một mắt xích quan trọng, thể hiện “Mối liên hệ sinh học - địa lý chặt chẽ của các quần thể động vật có vú Eocene giữa Na Dương và Châu Âu đã nêu bật tầm quan trọng của Đông Nam Á như là nơi khởi nguồn của sự phát tán động vật có vú xuyên lục địa dọc theo rìa bắc đại dương Tethys”.

Karst hóa mạnh và sự xuất hiện sớm của loài người. Khối đá vôi Bắc Sơn được hình thành từ các đá lục nguyên cacbonat biến chất yếu trong đại Paleozoi, cách ngày nay từ 540 đến 250 triệu năm. Trong vùng CVĐC Lạng Sơn, Khối đá vôi này có diện tích khoảng 1.200 đến 1.500 km2. Ở đây quá trình karst hóa diễn ra rất mạnh mẽ. Hệ thống núi đá vôi bị xói mòn do acid carbonic hình thành từ khí carbon dioxide trong không khí hòa tan vào nước, cộng với các ion dương của hydro (H+), tạo ra các hang động, sông suối ngầm, nhũ đá, măng đá cũng như các thung lũng giữa núi, các tháp, chóp nón.... Do ở vĩ độ thấp có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều nên mức độ karst hóa trong Khối đá vôi Bắc Sơn mạnh yếu tùy khu vực khác nhau nhưng nhìn chung là mạnh hơn nhiều so với các vùng đá vôi khác ở các tỉnh khác của Đông Bắc Việt Nam như Hà Giang hay Cao Bằng.

Quá trình karst hóa đã làm bào mòn, thẩm thấu, chia cắt tạo nên các dòng chảy, các hố sụt ngầm trong khối đá tạo nên các hang động. Hệ thống hang động đồ sộ có mật độ dày đặc trong khối núi đá vôi Bắc Sơn, khảo sát bước đầu đã xác định được khoảng 170 hang động được bảo tồn tốt, có giá trị khai thác du lịch. Nhiều địa điểm hang động hiện nay đã chứng minh cho dòng chảy ngầm rất mạnh trong quá khứ như các hang Phố Bình Gia, động Tam Thanh-Nhị Thanh.

Các hang động chủ yếu phân bố ở ranh giới giữa hệ tầng đá vôi Bắc Sơn và các thung lũng kiến tạo rộng như hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai, động Chùa Tiên, động Tam Thanh - Nhị Thanh, có cửa hang không quá cao. Đây có thể là một trong những điều kiện thuận lợi trong việc lựa chọn nơi cư trú và sinh sống các loài động vật và của chính con người cổ đại từ thuở sơ khai.

CVĐC toàn cầu UNESCO mới của Việt Nam - Cửa sổ đặc biệt nhìn vào thế giới đầm hồ cổ đại - 3

Điểm di sản số 35 Thế giới đầm hồ tại trũng Na Dương.

Trong hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai và nhiều hang động khác trong Khối đá vôi Bắc Sơn đã phát hiện hóa thạch của người đứng thẳng (Homo erectus) có niên đại khoảng 500.000 năm trước, cho thấy khu vực này đã là một trong những cái nôi sớm nhất của con người cổ đại ở Việt Nam. Sự sống phát triển liên tục sau đó, trở thành nơi ra đời của các nền văn hóa khảo cổ Bắc Sơn và Mai Pha nổi tiếng trong khảo cổ học Việt Nam.

Hệ thống hang động khảo cổ này có tầm quan trọng quốc tế, thể hiện mối liên hệ mật thiết giữa quá trình kiến tạo địa chất, điều kiện môi trường thiên nhiên và đời sống con người đã có từ rất lâu trong vùng CVĐC Lạng Sơn. Tiến hóa sự sống và biến đổi địa chất vẫn đang tiếp tục cho đến ngày nay.

Vào lúc 15 giờ 30 phút (giờ Việt Nam) ngày 8/9/2024, Phiên họp Hội đồng CVĐC Toàn cầu UNESCO đã tiến hành họp, đánh giá và biểu quyết công nhận CVĐC Lạng Sơn là CVĐC toàn cầu UNESCO.

Việc này sẽ giúp cho tỉnh Lạng Sơn có thêm động lực cũng như cơ hội tập trung nguồn lực hơn nữa để tăng cường, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, cũng như các danh lam thắng cảnh đặc sắc của tỉnh Lạng Sơn.

Công viên địa chất Lạng Sơn sẽ nhận Bằng công nhận CVĐC toàn cầu UNESCO dự kiến được tổ chức vào năm 2025 tại Chi Lê.

CVĐC Lạng Sơn được UBND tỉnh Lạng Sơn quyết định thành lập từ năm 2021. CVĐC Lạng Sơn có chủ đề “Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng" bao gồm 38 điểm tham quan thuộc 4 tuyến du lịch gồm: Tuyến 1 "Khám phá Thế giới Thượng ngàn"; Tuyến 2 "Hành trình về miền Thiên giới"; Tuyến 3 "Cuộc sống dân dã nơi trần thế"; Tuyến 4 "Đường đến Thuỷ cung".

mark

Go And Go Travel

“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin

Từ khoá:
Social Network: