Nước sông Hồng dâng cao ‘chóng mặt’, khiến nhiều người lo sợ. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cũng đã thông báo không chạy tàu qua cầu Long Biên
Những bức ảnh mực nước sông Hồng tại khu vực cầu Long Biên, do anh Tạ Thanh Sang (admin trang Camping in VietNam - Cộng đồng thích cắm trại Việt Nam) ghi nhận vào lúc khoảng 14 giờ ngày 10/9. Theo anh Sang, hiện tại, mực nước sông Hồng tại cầu Long Biên đã dâng cao thêm.
“Mực nước sông Hồng dâng cao “chóng mặt”, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiển cảnh này. Mong sau nước rút nhanh, để bà con được an toàn”, anh Sang cho hay.
Trước đó, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 9 giờ sáng nay, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội 9,02m, dưới báo động 1 0,48m. Dự báo, trong 12 giờ tới, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh đạt mức báo động 1. Trong 12 - 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh đạt mức báo động 2.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (siêu bão Yagi), mực nước sông Hồng lên cao và chảy xiết, để đảm bảo an toàn cho hành khách, sáng 10/9, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thông báo sẽ không chạy tàu qua cầu Long Biên.
Từ đêm 9/9, nước sông đã gây ảnh hưởng tới một số vùng trũng thấp ven bờ tại quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ như như tại các phố Chương Dương Độ, Tứ Liên, Âu Cơ... Cùng thời điểm, trận mưa lớn kéo dài cũng khiến nhiều quận, huyện khác của Thủ đô rơi vào cảnh ngập úng cục bộ.
Theo đó, các đoàn tàu khách tuyến Hà Nội-Hải Phòng sẽ thay đổi lịch trình với Ga Gia Lâm là ga xuất phát và kết thúc hành trình
Cơ quan khí tượng cho biết, cảnh báo ngập do nước sông Hồng lên cao báo động 1 và trên báo động 1 là các khu vực bãi Phúc Tân (phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội), bãi Phúc Xá (phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội), Phường Tứ Liên, Quảng Bá, Phú Thượng (quận Tây Hồ).
Có thể thấy nước đang lên rất nhanh, gần với các mố cầu.
Để đảm bảo an toàn, đề nghị bà con nhân dân không đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở; không vớt củi và đồ vật trôi nổi trên sông; không đi vào khu vực nguy hiểm như những nơi nước chảy xiết, ven sông hay nơi có nguy cơ sạt lở; chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống lũ đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Đặc biệt nêu cao tinh thần cảnh giác nếu sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở, gần sông cần chủ động phòng, tránh, di chuyển ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, tạm thời đến những nơi an toàn trú ẩn. Người dân cũng cần thường xuyên theo dõi các bản tin cảnh báo lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng; giữ liên lạc, thông tin và chấp hành các biện pháp phòng chống lũ theo chỉ đạo của chính quyền địa phương.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia đã có cảnh báo ngập lụt tại Hà Nội vào sáng 10/9/2024. Theo đó, Cảnh báo đợt mưa do hoàn lưu sau bão số 3 sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu phổ biến từ 10 - 20 cm. Đáng chú ý, một số tuyến phố có khả năng ngập sâu hơn 25 - 30 cm.
Ông Phan Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết đường sắt vừa quyết định dừng chạy tàu qua cầu Long Biên do mực nước sông Hồng qua cầu dâng cao, chảy xiết, uy hiếp an toàn.
Cầu Long Biên vốn là cầu yếu, tốc độ tàu qua cầu hạn chế, chỉ khoảng 15 km/giờ. Tuy mực nước hiện cách mặt cầu còn vài mét, nhưng do nước chảy xiết, dễ ảnh hưởng đến trụ cầu nên đường sắt quyết định dừng tàu.
Hôm nay (10/9), các chuyến tàu khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng xuất phát và trả khách tại ga Gia Lâm là ga cuối cùng. Từ ngày mai (11/9), sẽ tùy tình hình thời tiết, nhu cầu hành khách để giảm hay duy trì số chuyến tàu.
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho biết hiện đường sắt khu vực Hà Nội đang ngập nặng như ga Giáp Bát không thể tổ chức xếp dỡ hàng hóa, tuyến vành đai Bắc Hồng - Văn Điển không thể chạy tàu nên không đưa hàng giữa các ga Đông Anh, Yên Viên và ga Giáp Bát. Đường sắt đang thông tin tới chủ hàng để thay đổi địa điểm tàu đến xếp, dỡ hàng.
Go And Go Travel
“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin