Khoản vay từ Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi sau đại dịch, bởi nhiều công ty dự kiến không có doanh thu trong quý II/2020.

Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), phối hợp với Grant Thornton Ltd. (Việt Nam) và VnExpress khảo sát các doanh nghiệp trong nước về những khó khăn trong đại dịch.

Cuộc khảo sát nhằm tìm kiếm các giải pháp, hành động tích cực và chủ động từ doanh nghiệp để khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động. Kết quả khảo sát được kì vọng là cẩm nang bước đầu cho các doanh nghiệp, đồng thời cũng giúp Chính phủ có thông tin đa chiều về tình hình doanh nghiệp để xây dựng các chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn.

Khảo sát được thực hiện từ 13 - 17/4, thu hút 394 doanh nghiệp phản hồi, 92,6% trong đó là doanh nghiệp nhỏ (ít hơn 100 nhân viên). Trong 394 doanh nghiệp tham gia khảo sát có 51,4% lữ hành, 15,3% khách sạn và 14,2% vận chuyển.

khach-san-TP-HCM-VnExpress-2788-1587469985.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ToXcgwvH_EbPADe8eMvGdQ

65% khách sạn tham gia khảo sát cho biết doanh thu Quý 1/2020 chưa đạt 30% so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Nguyễn Nam.

70,8% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã bị giảm doanh thu tới 70% so với cùng kỳ quý I năm 2019, và dự báo gần 50% không có doanh thu trong quý II/2020.

Những phát sinh đáng kể do đại dịch gồm chi phí cho vệ sinh và khử trùng. Ngay cả khi không có doanh thu hay doanh thu thấp hơn bình thường, hoặc tạm thời đóng cửa, doanh nghiệp vẫn phải trả tất cả các chi phí quản lý như tiền thuê mặt bằng, tiền lương, tiền lãi... Chỉ 4% công ty tham gia khảo sát không có chi phí phát sinh.

Để sống sót qua đại dịch, 78% doanh nghiệp chọn cắt giảm lương hoặc nhân viên tạm thời; 8,9% chọn phương án đóng cửa kinh doanh. Trong số những doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, 65,7% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đã phải cắt giảm hơn 50% số lượng nhân viên, gần 20% phải cắt giảm toàn bộ nhân viên, và có 75% hỗ trợ tài chính cho nhân viên bị nghỉ việc.

Covid-19-doanh-nghiep-2728-1587469985.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XFiL4NumhosR-VeQj6I2QQ

Để tồn tại và duy trì hoạt động qua đại dịch Covid-19, doanh nghiệp phải ưu tiên các biện pháp kiểm soát chi phí, đồng thời rất cần các chính sách tài chính của nhà nước để hỗ trợ.

82,7% doanh nghiệp nhận định có thể hoạt động bình thường vào đầu quý III/2020, song tới 41,1% cho rằng phải đến 2021 kinh doanh mới có thể trở lại như cũ. Và 90% doanh nghiệp tham gia khảo sát quan tâm đến khả năng nhận khoản vay từ Chính phủ để phục hồi kinh doanh.

Dự kiến, sau Covid-19, ngành du lịch sẽ cần phải cơ cấu lại mạnh mẽ để phát triển, ưu tiên cơ cấu lại doanh nghiệp (về số lượng nhân viên, về loại hình dịch vụ của doanh nghiệp) và cơ cấu lại thị trường khách du lịch.

Theo báo cáo khảo sát của Ban IV, một số doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng, đại lý vé máy bay, vận chuyển, các điểm tham quan...

Các chính sách gồm giãn nợ ngân hàng, giãn thời gian nộp thuế, giãn thời gian nộp BHXH, phí công đoàn; giảm thuế TNDN, thuế GTTT, thuế TNCN; giảm lãi suất cho vay; giảm phí, lệ phí đặc biệt cho các điểm tham quan 6 - 12 tháng sau dịch.

Doanh nghiệp du lịch cũng đề nghị phục hồi các chính sách đơn phương miễn thị thực Visa cho các nước EU, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản và 1 số thị trường tiềm năng của ngành du lịch ngay khi các nước khống chế và đẩy lùi Covid-19; tạo thuận lợi cho người dân các nước trên du lịch vào Việt Nam.

Các công ty kỳ vọng những chính sách hỗ trợ phát triển du lịch và đẩy mạnh quảng bá được thực thi cả trong ngắn hạn và dài hạn ngay khi Việt Nam và các nước đẩy lùi được dịch Covid-19.

Ngân Lượng

mark

Go And Go Travel

“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin

Từ khoá:
Social Network: