Đại diện Cục Du lịch Quốc gia cho biết ngành du lịch sẽ làm "nhạc trưởng" đứng ra huy động, điều phối các bên để "người Việt du lịch Việt" với chi phí hợp lý. - VnExpress

Theo khảo sát, trong dịp cao điểm du lịch 30/4-1/5 và hè, du khách Việt có xu hướng chọn các tour nước ngoài tầm trung giá 7-15 triệu đồng vì du lịch trong nước đắt đỏ khi giá vé máy bay tăng. Ngành hàng không cho rằng phải tăng giá để bù đắp chi phí, còn du lịch lại thiếu cơ chế từ điểm đến. Các chuyên gia trong ngành và doanh nghiệp nhận định đây không phải vấn đề của riêng ngành du lịch và hàng không mà cần một "nhạc trưởng" đứng ra liên kết, dung hòa lợi ích các bên.

Trả lời VnExpress, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cho biết Cục sẽ đứng ra đảm nhiệm vai trò nhạc trưởng điều phối, đưa ra giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa.

a1-1707731851-jpeg-3487-1712621529.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DFK5LVzvOCd2_pNr4aQjWg

Điện Kiến Trung thu hút khách tham quan sau 4 năm phục hồi, mở cửa đón khách vào dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Phước Tuấn

Ông Siêu cho biết trước hết, ngành du lịch sẽ phối hợp với ngành giao thông vận tải để có những sản phẩm du lịch mới thích ứng biến động của thị trường, "biến khó khăn thành cơ hội". Một trong các biện pháp là đa dạng hóa phương tiện giao thông, kết nối hàng không với đường thủy, đường bộ và đường sắt, để mở ra cơ hội cho điểm đến mới và kết nối các thành phố trung tâm đến những điểm đến vệ tinh.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho biết công ty đang đẩy mạnh đường tour tàu hỏa, sản phẩm mới trong năm 2024. Bà Hoàng cho hay hành trình trải nghiệm tàu hỏa đang đem đến làn gió mới cho du lịch nội địa dịp cao điểm hè trong bối cảnh vé máy bay tăng cao.

Ngành du lịch sẽ điều phối cơ quan du lịch địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp thông qua các sự kiện như ngày hội du lịch ở TP HCM, hội chợ du lịch quốc tế VITM ở Hà Nội cùng hành động để có những chương trình khuyến mại cụ thể. Các sản phẩm là chùm tour, combo, "hài hòa với túi tiền người dân nhưng vẫn tạo ra những trải nghiệm mới", ông Siêu nói.

Về giá, các sản phẩm du lịch nội địa cần có tính cạnh tranh, không chỉ cạnh tranh giữa các điểm đến trong nước mà còn cạnh tranh với điểm đến nước ngoài. Hàng không, khách sạn, nhà hàng trở thành chuỗi cung ứng dịch vụ. Bài toán đặt ra là liên kết các khâu trong chuỗi.

"Nếu như mỗi bên trong chuỗi cung ứng đồng lòng liên kết, cam kết có giá cả hợp lý, xâu chuỗi lại sẽ có giá cạnh tranh", theo ông Siêu.

Để làm được điều này, đại diện Cục du lịch cho rằng cần có sự hỗ trợ của nhà nước về chính sách thuế, để doanh nghiệp khi hạ giá cũng được hạch toán vào chi phí. Đây là cơ sở để tính thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Ông Siêu cho hay Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ phải làm việc với Bộ Tài chính để có chính sách cụ thể về thuế trong mùa du lịch cao điểm và mùa thấp điểm.

edc0a3c79e1d4943100c-3409-1698-1135-8125-1712621751.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gYHkRqKXfVsaJ1v_uALy-Q

Du khách trải nghiệm ngắm cảnh trên chuyến tàu hỏa Bắc - Nam. Ảnh: Bike Journey

Theo ông Siêu, giá vé máy bay tăng mạnh là bối cảnh chung của ngành hàng không thế giới, tác động đến ngành hàng không trong nước và trực tiếp ảnh hưởng đến du lịch nội địa. Cục Du lịch đã phát động chiến dịch "Người Việt du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu", khởi động từ ngày 30/3 tại Đà Nẵng. Sở Du lịch Đà Nẵng đã cùng các doanh nghiệp triển khai chương trình "Enjoy Danang 2024" nhằm gia tăng trải nghiệm, thu hút du khách trong nước.

Đà Nẵng dành tặng hơn 10.000 voucher miễn phí và ưu đãi giảm giá, tổng trị giá tương đương 5 tỷ đồng cho khách du lịch. Thành phố tặng 2.000 vé xem Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng khi du khách đăng ký mua dịch vụ trên các nền tảng trực tuyến, website của chương trình (enjoydanang.vn), các trang mạng xã hội của du lịch Đà Nẵng.

Để đưa du lịch về giá hợp lý các chuyên gia cho rằng cần có giải pháp đồng bộ giữa các ngành. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Đại học Bách khoa TP HCM, đề xuất nên có thêm hãng hàng không giá rẻ quốc tế liên kết với hãng hàng không Việt Nam để bay quốc nội. Đường bay gia tăng, hành khách gia tăng có nghĩa khách du lịch nội địa và quốc tế của Việt Nam gia tăng.

banco-8150-1709745712-jpeg-1979-1712621529.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lt1DLwZgdpJtHx3th9yk4Q

Bàn cờ ông tiên trên đỉnh Bàn Cờ, một điểm du lịch thu hút du khách tại Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Dù lượng khách nội địa năm 2023 vượt năm 2022 nhưng số khách đi tour giảm mạnh do kinh tế suy thoái trên toàn cầu. Các doanh nghiệp dịch vụ gặp khó khăn do lượng khách tour giảm mạnh. Một số công ty lữ hành tại TP HCM tiết lộ lượng khách đi tour nội địa giảm tới 50% so với năm 2022.

3 tháng đầu năm 2024, du lịch nội địa đón khoảng 30 triệu lượt khách, đạt 27% so với mục tiêu phục vụ 110 triệu lượt khách trong nước. Cục Du lịch cho biết sẽ cùng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng hành với các địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh chiến dịch "người Việt du lịch Việt" trong năm nay.

"Làm sao để các điểm đến không chỉ phục hồi mà phải lấp đầy. Vé máy bay lấp đầy, khách sạn lấp đầy, khu vui chơi, điểm tham quan lấp đầy", ông Siêu nói.

Bích Phương

mark

Go And Go Travel

“Một khi bị nhiễm niềm đam mê du lịch, chẳng có phương thuốc nào có thể hóa giải, và tôi biết rằng tôi sẽ hạnh phúc khi có căn bệnh này cho đến hết cuộc đời.” – Michael Palin

Từ khoá:
Social Network: